Trường Trung học cơ sở Phổ Quang với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống hát bả trạo Phổ Quang trong cộng đồng địa phương Đức Phổ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Hát (hò) bả trạo là hình thức diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ, thường được biểu diễn trong lễ hội Cầu ngư (Nghinh Ông) ở các tỉnh ven biển miền Trung. Xứ Quảng (bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay) được coi là vùng lưu giữ khá nguyên bản loại hình nghệ thuật này.

                                                                     Hình. Hát (hò) Bả trạo của ngư dân làn chài vạn Mỹ Á (Phổ Quang)

Hát bả (hò) trạo (chèo đưa linh, chèo hầu linh, hát bạn chèo, hát đưa Ông…) là một hình thức diễn xướng dân gian gắn liền với lễ cúng cá Ông, sử dụng phối hợp các động tác múa, ca hát và âm thanh của các nhạc cụ, tái hiện hành trình ra khơi của người đi biển. “Bả” có nghĩa là chặt, nắm chặt; “trạo” là mái chèo. Bả trạo là nắm chặt mái chèo, thể hiện ý chí vững tay trên biển cả, sẵn sàng đối phó với phong ba.

Theo một nghệ nhân Huỳnh Nhân hát bả trạo ở vạn chài Mỹ Á (Phổ Quang) thì hiện nay nhiều làng, vạn ven biển Quảng Ngãi còn tổ chức hát bả trạo vào dịp tế cá Ông như vạn Đông Yên (Bình Dương), vạn Tuyết Diêm (Bình Dương) của huyện Bình Sơn; riêng Đức Phổ có vạn Thạch By của phường Phổ Thạnh và vạn chài Mỹ Á phường Phổ Quang, hát bả trạo ở Phổ Quang thường được biểu diễn trong Lễ ra quân nghề cá đầu năm với mong muốn ngư dân năm mới ra khơi bội thu thủy sản, gia đình ấm no, hạnh phúc, các ngày hội truyền thống của cộng đồng, những dịp hiếu hỉ trong gia đình, làng vạn, như lễ về nhà mới. Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít người biết hát và tâm huyết với loại hình nghệ thuật này.


Hình. Nghệ nhân Huỳnh Nhân, vạn chài Mỹ Á (Hải Tân – Phổ Quang)

Trong đội hình bả trạo ở Quảng Ngãi, nghệ nhân trình diễn gồm toàn nam giới, không giới hạn độ tuổi, bao gồm một Tổng mũi (còn gọi là Tổng tiền), một Tổng khoang (Tổng thương, Tuần thuyền) một Tổng lái và bạn chèo (con trạo) từ 10 đến 16 người, tùy theo từng địa phương, nhưng phải luôn luôn là số chẵn.

Về nội dung, hát múa bả trạo kể lại công đức của cá Ông đã ra ơn giúp đỡ người đi biển trong cơn hoạn nạn, nói lên ý chí chịu đựng gian khổ, sự đồng lòng, đồng sức vượt qua bão táp phong ba, đồng thời thể hiện sinh động tình yêu thiên nhiên biển cả, khát vọng được mùa, ấm no hạnh phúc.

Tuy nhiên, mỗi vùng có hình thức diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ khác nhau, từ đó hát (hò) Bả trạo mỗi nơi có đặc trưng theo phong tục tập quán của mỗi vùng miền mà có đạo cụ, trang phục, biên chế người khác nhau, hát (hò) Bả trạo ở Phổ Quang cũng vậy.

  1. Biên chế con người hát (hò) Bả trạo Phổ Quang:

Trong đội hình hát (hò)  Bả trạo Phổ Quang, nghệ nhân trình diễn gồm cả nam và nữ giới, không giới hạn độ tuổi, bao gồm một Tổng mũi (còn gọi là Tổng tiền), một Tổng khoang (Tổng thương, Tuần thuyền) một Tổng lái và bạn chèo (con trạo) từ 10 đến 13 người, nhưng các con trạo phải luôn luôn là số chẵn.

Các con trạo thường được đứng thành 2 hàng dọc về  hai bên phía sau ông Tổng mũi và đứng trước về 2 bên ông Tổng chèo (lái), ông Tổng khoang đứng giữa ông Tổng mũi và Tổng lái và thực hiện theo lời ông Tổng mũi để đưa  thuyền đi về trước hoặc gồng gánh khi có sóng to gió lớn.

  1. Trang phục và đạo cụ:

– Con trạo: Mặc áo vàng, đai thắt lưng màu đỏ, cầm mái chèo màu trắng, đội  khăn quấn đỏ hoặc nón lá.

– Ông Tổng mũi là ngưới đứng đầu trước mũi thuyền, trang phục mặt áo dài khác màu với con trạo, cổ tay được bóp lại, đầu đội mão, mang giày vải. nhiệm vụ là điều khiển các con trạo để di chuyển con thuyền.

– Ông tổng khoang mặc áo ngắn màu đỏ hoac màu vàng, khăn quấn trùm đầu hoặc nón lá, mang giày vải, tay cầm cần câu để đánh bắt  cá, bên thắt lưng  mang 1 cái xô hoặc gàu  để múc nuoc từ khoang thuyền ra

– Ông Tổng  chèo (lái) trang phục như ông tổng mũi nhưng khác màu, tay cầm mái chèo dài hơn chèo con trạo để điều khiển hướng thuyền đi.

  1. Nhạc cụ: Có 1 trống chầu, 1 trống cơm, 2 đàn nhị, 1 bộ phách (người dân tự làm bằng tre), trống con.
  2. Hát bả trạo có 4 chặng: Chặng đầu là xuất bến, chặng 2 kéo lưới, chặng 3 đưa thuyền vượt sóng to, gió cả, có sự hỗ trợ của thần linh; chặng 4 là phần kết thúc, con thuyền bình an về bến trong niềm vui của gia đình, làng vạn.
  3. Hát bả trạo có 4 thể loại: Cũng như các vùng khác ở địa phương Quảng Ngãi gồm có hát chèo đưa linh, chèo hầu linh, hát bạn chèo và hát đưa ông.
  4. Hát bả trạo thường diễn ra vào những dịp lễ hội, đặc biệt là trong các nghi lễ cầu ngư, lễ Khai chánh (lễ xuất quân nghề cá) hoặc vào các ngày hội truyền thống của cộng đồng.

Những người tham gia thường hát đối đáp trong một không gian mở, như ở bến tàu, trên thuyền, giờ nghĩ ngơi của phụ nữ làm nghề vá lưới hay thợ xây.

 

                                                                                                                         Trường Trung học cơ sở Phổ Quang, thị xã Đức Phổ