Bài Chòi “món ăn tinh thần” của người dân Đức Phổ cần được giữ gìn và phát huy
Lượt xem:
BÀI CHÒI “MÓN ĂN TINH THẦN” CỦA NGƯỜI DÂN ĐỨC PHỔ CẦN ĐƯỢC GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY
Mỗi nơi trên đất nước Việt Nam có một làn điệu dân ca riêng như điệu hò, lý, sắc bùa, bả trạo, xẩm,…và nghệ thuật Bài chòi cũng vậy. Như Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà,… Mỗi vùng có Hội Bài chòi riêng theo phong tục tập quán vùng đó mà có trang phục, biên chế người khác nhau.
Tuy nhiên hiện nay, vẫn dẫu còn tình yêu say đắm, còn bài bản làn điệu (Xuân nữ cổ, Xuân nữ mới, Xàng Xê, Cổ bản, Hồ Quảng, Lô Tô,…) lời ca. Nhưng phần đông nghệ nhân am hiểu về Bài chòi đã cao tuổi, trong khi việc truyền dạy bài chòi cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm, nếu có thì cũng chưa đồng bộ vẫn chưa thể kiếm tìm ra “hậu nhân” để truyền lại, gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian này.
Theo bác Nghệ nhân Ưu tú Võ Duy Khánh (Phổ Cường – Đức Phổ), dân ca bài chòi xuất hiện từ khi người Việt vào mở mang, khai phá đất phương nam với lời hát đối đáp đơn sơ giữa những người dân quê chân chất. Sau đó, cụ Ðào Duy Từ sáng tạo ra hội chơi bài chòi khá độc đáo, thu hút nhiều người tham gia. Do vậy, vùng đất Ðức Phổ giáp ranh với huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh (nơi cụ Ðào Duy Từ cư ngụ) được xem là đất tổ của hội đánh bài chòi và bài chòi ở các địa phương lân cận phát triển khá sớm. Thuở trước, để bảo vệ mùa màng trước sự phá hoại của thú rừng, cư dân trong làng dựng những chiếc chòi cao ở ven rừng để trông coi. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh mõ, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò. Những câu hò, điệu lý làm vơi đi nỗi buồn trong đêm thanh vắng. Rồi lời ca tâm tình giữa hai căn chòi được kết nối qua phương tiện truyền âm khá hiện đại thời bấy giờ.
Bài chòi là loại hình vừa mang tính trình diễn, vừa mang tính thực hành xã hội, công chúng cùng một lúc được thưởng ngoạn nhiều thể loại, nhiều thành phần nghệ thuật khác nhau như dân ca, thơ, trò diễn, trích đoạn sân khấu, chuyện kể và diễn tấu nhạc cụ truyền thống… Cái hay riêng là ở chỗ kể chuyện nhưng không giống như lối kể chuyện thông thường mà có động tác, nhạc cụ phụ họa; diễn trích đoạn sân khấu nhưng không giống như tuồng và hát bội, vì không có sân khấu, không có phông cảnh, không dùng y phục biểu diễn chuyên nghiệp mà chỉ với bộ quần áo thông thường. Đặc biệt, chỉ có một người mà đóng được nhiều vai khác nhau nhưng lại đạt hiệu quả thể hiện tự nhiên, gần gũi, dễ hiểu mà sâu sắc – đó là nghệ thuật độc diễn trong Bài chòi. Cùng với tài tức hứng lời thơ tại chỗ, lối độc diễn tự tin và hồn nhiên chính là nét đặc trưng độc đáo và đặc sắc của nghệ thuật Bài chòi dân gian, là điểm hoàn toàn khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác. Sắc thái tuồng và sự thẩm thấu những yếu tố tuồng trong nghệ thuật Bài chòi hoàn toàn khác với sắc thái tuồng và sự thâm nhập của yếu tố tuồng trong “cải lương tuồng tầu”. Nó cũng không giống sự thâm nhập của yếu tố tuồng trong “chèo văn minh” trước đó hoặc trong các loại hình nghệ thuật khác ở thời đại hiện nay. Trong nghệ thuật Bài chòi, yếu tố tuồng là một trong những tế bào chính yếu cấu thành, thậm chí là tố chất nằm ngay trong lòng tế bào của nghệ thuật Bài chòi từ buổi ban sơ của nó.
Về cách dựng chòi
Để tổ chức hội Bài chòi việc đầu tiên là dựng chòi. Tuỳ vào địa phương mà người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, thành 2 hàng đối mặt nhau mỗi chòi có bắt 1 chiếc thang , có 1 chòi trung ương còn gọi là chòi hiệu tạo thành hình chữ U đẹp mắt, chiều rộng của chòi đủ để cho 3 người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương. Các chòi đều cắm cờ chuối nhiều màu sắc, riêng chòi trung ương thi cắm 2 lá cờ hội ngũ sắc, trên mỗi chòi đều có một cáí mõ làm bằng 1 lóng tre già.
Bộ bài chòi
Bộ bài để đánh bài chòi thường có 27 thẻ, có nơi 30 thẻ, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu v.v.. vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau.
Bộ bài gồm 3 pho, đó là:
– Pho văn: ông Ầm, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu miếng, lá liễu, tám miếng, chín gối.
– Pho vạn: nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, ngũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều, bạch huê.
– Pho sách: nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, sáu bưởng, bảy thưa, tám dây, cửu điều, tứ cẳng.
Nếu chơi 9 chòi thì chỉ có 27 căp, chơi 11 chòi có 33 cặp. Vì vậy người ta thêm vào 3 con bài xếp thành 3 cặp yêu: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá cùng tên này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.
Cách thức hô/hát Bài chòi
Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới”, xổ một hồi mõ dài. Khi đó, Lính lệ cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.
Về thể thơ, kết cấu và ngôn ngữ
Bài bản thể thơ hô/ hát Bài chòi ở Đức Phổ là thơ bốn chữ, năm chữ như điệu vè và phổ biến nhất là thơ lục bát, song thất lục bát.
Về kết cấu theo một khuôn mẫu đồng thời có sự sáng tạo thêm trong từng hoàn cảnh của anh Hiệu, bên cạnh đó lời ca bài chòi còn có kết cấu một vế đơn giản và kết cấu hai vế theo dạng ca dao đố – giải.
Về ngôn ngữ thổ âm địa phương được thể hiện rõ nét trong lời hô/hát bài chòi của anh Hiệu ở Đức Phổ đó là tiếng nói của người Quảng Ngãi. Ngôn ngữ trong hô/hát bài chòi giàu tính hình tượng mang tính tự sự và trữ tình cao, tạo sự liên tưởng cho người nghe để đoán được con bài sắp ra và hiểu được nội dung lời ca bài chòi biểu đạt nội dung gì.
Về tiết tấu và âm nhạc Bài chòi
Về tiết tấu chỉ có nhịp đôi điều đặn hay nhịp ba bỏ một nhịp nhưng cũng có thể biến tấu.
Âm nhạc là thành phần quan trọng tạo ra phong cách Bài chòi ở mỗi vùng miền. Nhìn chung ở Quảng Ngãi nói riêng và Đức Phổ nói chung về âm nhạc bài chòi có hai hình thức là nhạc hát (Hô thai/hô bài thai) và dàn nhạc đệm cho hát.
Về nội dung lời hô/hát Bài chòi
Trong lời hô/hát của anh Hiệu có thể bắt gặp được những lời tự sự về sinh hoạt hằng ngày (lao động, sản xuất, ca ngợi tình làng xóm, cách đối nhân xử thế hay phê phán những thói hư tật xấu,..)
Nghệ thuật bài chòi ở Đức Phổ mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng thể hiện cách thức đặc trưng văn hoá của cư dân địa phương, lưu giữ phương ngữ, phong tục tập quán trong các câu hô/hát Bài chòi. Sinh hoạt bài chòi là hình thức giải trí độc đáo của người dân vào dịp lễ tết, hội đình,… trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân ở Quảng Ngãi nói chung, Đức Phổ nói riêng. Sinh hoạt Bài chòi mang tính cộng đồng cao trong diễn xướng và thưởng thức góp phần tăng tính đoàn kết, kết nối cộng đồng đưa con người xích lại gần nhau hơn,…
Chuẩn bị trước khi chơi Bài chòi
Muốn đánh bài chòi người chơi phải đến ban tổ chức để ghi danh và xếp vào Hội bài. Sau một hồi trống khai mạc người chạy bài mời những người chơi bước lên chòi bằng những câu hò. Sau khi người chơi đã lên đủ các chòi người chạy bài đặt các ống thẻ lên chiếc khay đến từng chòi.
Cách chơi Bài chòi
Trên chòi người chơi ngẫu nhiên rút con bài theo qui định của luật chơi và ngồi chờ đợi con đi chợ. Người chạy bài sẽ rút con bài bất kì mà chưa nêu tên con đó ngay mà sẽ dẫn cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến con bài dán trên thẻ, chẳng hạn anh ta hô:
Đầu năm ta thử hên xui
Leo lên chòi bắc ta thử vận may
Cũng là góp tiếng pháo tay
Cho hội bài chòi làng được rộn vui
Chín (mười một) chòi đã sẵn sàng
Để nghe con sáu tiền mở màng đầu năm
Như thế con bài anh ta vừa rút khai cuộc là con sáu tiền, những người chơi bài đã biết trên chòi của mình có những con gì ngay từ ban đầu. Nghe hô “sáu tiền đi chợ” chòi nào có “sáu tiền” thì gõ cốc.. cốc… cốc…cho tiếng mõ vang lên báo hiệu.
Người chạy bài chạy đến chiếc chòi có “sáu tiền” người chơi bài sẽ trao cho anh ta con “sáu tiền” thứ hai mà mình có và đi kèm một con bài khác nữa. Người chạy bài chưa vội công khai ngay tên con bài mới. Anh ta bước ngược bước xuôi pha trò những lời lẽ vành điệu có liên quan đến nó, chẳng hạn nếu là con gối anh ta sẽ xướng:
Cổ tay em trắng lại tròn
Để cho anh gối mà mòn một bên
Chòi nào có bài trùng với con bài ấy thì đáp bằng ba tiếng mõ, anh ta lại bước đến chòi có tiếng mõ và được người trên chòi trao cho con bài đó kèm một con bài khác,… cư như thế cho đến khi chòi nào đó có quân bài tới, người chòi đó reo hò sung sướng, tiếng mõ liên hồi cốc cốc vang lên. Từ chòi chỉ huy ban tổ chức cho vang lên hồi trống chầu báo hiệu có người thắng cuộc và xong một ván bài. Lúc này người chạy bài chạy đi các chòi thu hồi thẻ bài sau đó là đến phần trao thưởng.
Qua tìm hiểu và được nghe Bác Võ Duy Khánh nghệ nhân ưu tú Bài chòi kể chuyện và hát cho nghe, chúng em rất hứng thú, chúng em là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, cũng như được sinh ra và lớn lên trên quê hương của nghệ thuật văn hóa này, được nghe những câu hát bài chòi từ thuở nhỏ, những làn điệu làm nao nức lòng người. Chúng em thấy việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật Bài chòi là hết sức cần thiết, chúng em quyết định nghiên cứu đề tài “Giữ gìn và phát huy huy nghệ thuật Bài chòi trong cộng đồng địa phương Đức Phổ”. Nhằm đóng góp công sức nhỏ của mình vào việc giữ gìn thể loại văn hoá nghệ thuật đặc sắc này.
Mỹ Hạnh – Anh Thư
(Học sinh Trường THCS Phổ Cường)